Vacxin phòng viêm gan B và những điều cần biết
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những di chứng hiểm nghèo như xơ hóa gan và ung thư gan. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc với máu và dịch tiết. Tiêm vacxin viêm gan B là một trong những phương pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp tới quý vị những thông tin cần biết về vacxin phòng bệnh viêm gan B, mời quý vị quan tâm theo dõi.
Vacxin viêm gan B là gì?
Vacxin phòng viêm gan B là một loại vacxin tái tổ hợp được sản xuất theo kỹ thuật di truyền sử dụng kháng nguyên HBsAg. Loại kháng nguyên này được tổng hợp từ nấm men hoặc tế bào động vật, sau đó tinh chế cao và không gây nhiễm bệnh. Khi được tiêm vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh ra kháng thể chống lại virus viêm gan B. Đồng thời giảm các biến chứng nguy hiểm mà virus viêm gan B có thể gây ra như xơ gan và ung thư gan.

Mọi đối tượng đều có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B nên việc tiêm vacxin phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Rất nhiều người thắc mắc đã mắc viêm gan B thì có tiêm phòng được không? Trên thực tế vacxin viêm gan B chỉ có tác dụng với những người chưa mắc bệnh. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh quý vị có thể đến các cơ sở y tế hoặc địa điểm tiêm chủng để được tư vấn rõ hơn về liều lượng và loại vacxin phù hợp.
Vacxin tiêm phòng viêm gan B ở dạng đơn giá, có thể đơn liều hoặc đa liều tùy thuộc từng loại và nơi sản xuất.
Vacxin viêm gan B cần tiêm mấy mũi?
Tùy từng đối tượng khác nhau sẽ có liều lượng và thời gian tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan B khác nhau. Để vacxin phát huy tối đa hiệu quả, quý vị cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và lựa chọn cơ sở y tế uy tín khi thực hiện tiêm phòng. Liều lượng của vacxin viêm gan B sẽ được chia làm hai đối tượng đó là người lớn và trẻ nhỏ:
Liều lượng tiêm vacxin viêm gan B đối với trẻ nhỏ
Tất cả các trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng 1 mũi vacxin phòng viêm gan B, tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh. Chỉ sử dụng vacxin phòng viêm gan B đơn giá để tiêm cho trẻ sơ sinh và có thể sử dụng cùng với vacxin phòng bệnh lao phổi nhưng cần được tiêm ở hai vị trí khác nhau. Trước khi tiến hành tiêm vacxin cho trẻ sơ sinh, các bác sĩ cần lưu ý tình trạng sức khỏe của người mẹ.
Trường hợp mẹ không mắc viêm gan B: Liều sơ sinh tốt nhất được tiêm vào 24 giờ đầu sau sinh. Các liều thứ 2,3,4 có thể tiêm với những loại vacxin phối hợp có thành phần viêm gan B.
Vacxin sẽ được tiếp tục tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi và khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng. Các mẹ nên chú ý khi trẻ đủ 18 tháng cần tiêm vacxin nhắc lại 6 trong 1 để giúp phòng ngừa viêm gan B một cách tốt nhất.

Trường hợp mẹ mắc viêm gan B: Trong quá trình mang thai, tỷ lệ viêm gan B lây từ mẹ sang con chỉ khoảng 2% nhưng quá trình chuyển dạ của người mẹ thì có khả năng lây nhiễm vô cùng cao. Do đó ngoài 1 mũi ngừa viêm gan B giống những trẻ em thông thường khác, các bé cần được tiêm thêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg ngay trong vòng 12-24 giờ sau sinh.
Mục đích của việc tiêm chủng này giúp tạo ra miễn dịch chủ động cho trẻ. Vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác vị trí tiêm vacxin phòng viêm gan B.
Sau đó khi trẻ được 15-18 tháng tuổi cần được xét nghiệm để kiểm tra lại HBsAg và anti HBs có chắc chắn đã được bảo vệ và có còn khả năng bị lây virus từ người mẹ nữa hay không.
Ngoài mũi vacxin tiêm phòng ngừa viêm gan B sơ sinh và huyết thanh (nếu có), trẻ được khuyến cáo cần tiêm 4 mũi vacxin phòng viêm gan B bao gồm:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên trong 24 giờ đầu sau sinh
- Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
- Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng
- Mũi 4: Tiêm nhắc lại sau mũi 3 một năm
Liều lượng tiêm vacxin viêm gan B đối với người lớn
– Xét nghiệm trước khi tiêm
Trước khi tiến hành tiêm chủng phòng viêm gan B, quý vị cần thực hiện các xét nghiệm viêm gan B bao gồm các yếu tố HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết bản thân có bị nhiễm virus viêm gan B hay chưa. Đồng thời xác định cơ thể đã có kháng thể chống lại virus viêm gan B không?
Nếu kết quả HBsAg dương tính, HBsAb âm tính nghĩa là quý vị đã mắc viêm gan B. Lúc này việc tiêm phòng vacxin sẽ không còn hiệu quả. Bệnh nhân nên thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị

Nếu kết quả HBsAb dương tính, HBsAg âm tính có nghĩa là quý vị đa có kháng thể chống lại virus viêm gan B. Khi đó, quý vị không cần thiết phải tiêm nhắc lại vacxin viêm gan B.
Cả kết quả HBsAg và HBsAb đều âm tính chứng tỏ quý vị chưa mắc bệnh và cần tiêm phòng vacxin để phòng bệnh.
– Phác đồ tiêm
Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B, quý vị sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ:
- Mũi 1: Lần đầu đến tiêm
- Mũi 2: Một tháng sau mũi đầu tiên
- Mũi 3: Sáu tháng sau mũi đầu tiên
Vacxin viêm gan B có thể phòng ngừa bệnh 100% hay không?
Chích ngừa viêm gan B có giúp phòng ngừa bệnh 100% hay không là thắc mắc của nhiều người. Thực tế cho thấy tiêm phòng vacxin chỉ giúp hỗ trợ phòng bệnh một cách hiệu quả nhưng không thể đạt tỷ lệ 100%. Vẫn có rất nhiều trường hợp mắc viêm gan B sau khi đã tiêm phòng. Chính vì vậy quý vị không nên chủ quan hay quá tin tưởng vào vacxin phòng bệnh.
Trong một số trường hợp kháng thể có trong cơ thể giảm xuống dưới mức bảo vệ như ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo hay những bệnh nhân thường xuyên truyền máu. Vì vậy, quý vị cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt và làm việc một cách khoa học để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Một số lưu ý khi tiêm phòng vacxin viêm gan B
Vacxin phòng bệnh viêm gan B an toàn với mọi lứa tuổi, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên cũng giống như những loại vacxin khác, vắc xin phòng ngừa viêm gan B có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn bao gồm:
- Phản ứng tại chỗ: Sưng đỏ, đau nhức và nóng tại vị trí tiêm. Các triệu chứng này thường sẽ tự khỏi trong vòng 2 ngày
- Phản ứng hiếm gặp: Sốt trên 38.8 độ C, buồn nôn, đau đầu, đau cơ, nổi ban đỏ trên da
- Rất hiếm gặp: Viêm dây thần kinh, liệt mặt, viêm dây thần kinh,…

Sau khi tiêm bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng sức khỏe, trong trường hợp thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Đối với trẻ nhỏ sau tiêm vacxin, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:
- Sau tiêm trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và ít nhất 24 giờ sau tiêm tại nhà
- Sau khi tiêm trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn vì vậy phụ huynh cần chú ý quan tâm hơn, cho trẻ bú khi thức và không nên cho trẻ nằm bú
- Sau khi tiêm các bé có thể sốt nhẹ, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm,… các mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn, uống nước và chườm mát đồng thời thực hiện theo dõi sức khỏe các con
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu các phản ứng kéo dài trên 1 ngày hoặc phản ứng sau tiêm có chuyển biến nghiêm trọng như sốt cao, khó thở, bỏ bú,…
Tiêm phòng vacxin viêm gan B là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên quý vị cũng nên kết hợp thêm những phương pháp khác để tăng cường hiệu quả phòng ngừa. Không sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay những dụng cụ khác có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể, quan hệ tình dục an toàn, luyện tập thể dục và có chế độ ăn uống khoa học. Bên cạnh đó, quý vị hãy thường xuyên thăm khám định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của cơ thể.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
BÌNH LUẬN (0)